Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016





VÀI SUY NGHĨ VỀ
TU TẠI GIA

NGUYÊN CHƯƠNG
Mạn đàm


TỊNH THẤT NGUYÊN CHƯƠNG
Tổ 2, thôn Khánh An, xã Tam Dân,
huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam




Tu hành năm bảy đường tu :
Tu cao, tu thấp, tu lu, tu mờ,
Tu cho mau đến bến bờ,
Tu qua bỉ ngạn, tu chờ kiếp sau.
Tu thì kẻ trước người sau,
Tùy duyên hành đạo, trông mau vẹn toàn…
                                                            (thơ Đường tu)

        Tu hành là tiếng Tàu. Tu nghĩa là sửa lại cho đúng, hành là làm. Tu hành là sửa đổi những sai trái, làm lại cho đúng để đời sống mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể được tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Chúng ta chỉ bàn bạc ở đây trong phạm vi tu hành theo giáo lý của Phật.
        Đức Phật Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni qua 49 năm hoằng pháp độ sinh (có thuyết nói 45 năm) đã để lại thế gian 5.043 bộ kinh lớn nhỏ và 84.000 pháp tu. Tùy bệnh cho thuốc, tùy căn cơ mỗi người mà chọn pháp tu và kinh tương ưng cho phù hợp. Người bận bịu công việc mưu sinh thì chọn pháp môn niệm Phật ngắn gọn. Người có thời gian rỗi rảnh hơn thì tụng các bộ kinh lớn. Người muốn âm thầm tu luyện thân tâm đạt đến cảnh giới nhiệm mầu giải thoát thì tu Mật tông, Thiền tông. Người muốn từ bỏ gia đình, sự nghiệp để xuất gia tu học có nhân duyên hoằng pháp độ sinh, hay xả thân cứu khổ, hay lên rừng cao núi thẵm ẩn tu tự giải thoát ngay trong đời nầy, vân vân và vân vân…
Suốt đời tu một pháp môn
Khi ta đắc pháp muôn ngàn pháp theo.
                                                   (Sư phụ Đức Chơn)

        Tu hành được chia ra hai thành phần : thành phần tu tại gia và thành phần tu xuất gia. Chúng ta không dám bàn đến diễm phúc tu xuất gia, vì thất kính với quý chư Tăng Ni, ở đây chỉ bàn bạc việc tu tại gia thôi.
        Tu tại gia, hay tu nhà ; còn gọi là cư sĩ dành cho những người tu tại gia nhưng ăn chay trường, cắt ái dục, xa lánh thị phi. Có người hằng ngày đến chùa kinh kệ công phu rồi về, có người vào những ngày rằm mùng một đến chùa lễ Phật rồi về nhà hằng ngày kinh kệ công phu, có người lo làm ăn đầu tắt mặt tối không có thì giờ kinh kệ nên tự nhủ lòng tu tâm là chính,…

        Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nói về tu hành tại gia rất hay. Trong đó có mấy câu ai cũng thuộc nhưng số ít người chưa hiểu rốt ráo ý nghĩa thâm sâu của nó.
        Người quan niệm tu là phải đến chùa lạy Phật, kinh kệ mới được Phật chứng độ vãng sanh về Tây phương Cực Lạc, chứ tu ở nhà không ai chứng cho, thì thích câu ca dao :
Tu đâu không thấy tu chùa,
Hay là tu hú mỗi mùa mỗi tu ?
        Nhưng Phật ở ngay trong tâm mình chứ Phật ở đâu xa mà tìm ! Việc nầy sẽ bàn sau.

        Người tâm đắc lời dạy của đức Khổng Tử bên Tàu : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để vận dụng vào đường tu thì thích câu ca dao :
Thứ nhứt là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
        Nghĩa là, trên đường tu người Phật tử phải thực hiện viên mãn ba bước tu tập : tu tại nhà, tu ở chợ và tu ở chùa.

        Tu tại nhà : tức là tu thân, tề gia. Gia đình là một tập thể gắn bó tình cảm ruột thịt huyết thống, gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chét. Là một kết cấu truyền thống nối tiếp từ bao đời. Mỗi thành viên trong gia đình bắt buộc phải tự giác tuân theo một nghi phép tôn ti trật tự nhất định bất thành văn. Phá vỡ trật tự tự nhiên đó thì gia đình sẽ tan rã. Cho nên người tu tại nhà ngoài việc sớm hôm kinh kệ, lạy Phật, làm việc, còn phải ý thức trách nhiệm cao với gia đình để giữ vững truyền thống tốt đẹp đó.
Sách kinh đã dạy rõ ràng :
Thờ cha, kính mẹ là hàng thượng nhân.
Anh em như thể tay chân,
Ra ngoài chị ngã em nâng ngay vào,
Thương yêu đoàn kết trước sau,
Ân  cần thăm hỏi khi đau, lúc buồn.
Vợ chồng chung thủy yêu thương,
Chăm lo hạnh phúc thêm hương hoa hồng.
Làm ăn đồng thuận một lòng,
Nói năng nể trọng khuê phòng lên xuân…
                                                       (thơ Khuyên con)
        Loài vật cũng có sự sống mang tính gia đình, nhưng thiếu tôn ti trật tự, lối sống còn hoang sơ thấp kém hơn loài người nên gọi là bầy đàn thay vì gọi là gia đình.

        Tu ở chợ : Chợ là nơi mua bán, trao đổi, đông đúc người lui tới, đủ mọi thành phần đa dạng và phức tạp. Người tu khi đến chợ phải tỉnh táo, luôn lấy tâm từ bi hỷ xả để đối xử với người mình cần quan hệ. Không tranh hơn thua, không nóng giận, không cố chấp, phải bình tỉnh trước những điều bất như ý. Mua bán phải chăng, chân thật, giữ chữ tín làm đầu.
        Chợ đây còn mang ý nghĩa xã hội nữa, là bà con hàng xóm láng giềng gần xa.
Họ hàng làng xóm chung quanh,
Nên năng lui tới tình thân mặn nồng.
Việc tư cho chí việc công,
Cũng hoàn thành tốt chớ không so kềnh.
Quốc gia luật pháp là nền,
Phải tuân thủ luật, chớ nên lơ là…
                                                         (thơ Khuyên con)

        Tu ở chùa : Sau khi hoàn thành hạnh đạo tu nhà, tu chợ rồi mới đến chùa kinh kệ, niệm Phật, thăm viếng sư thầy, đồng đạo. Đây là việc làm mang ý nghĩa đạo hạnh cao đẹp của người con Phật một lòng trong sáng thủy chung với đạo. Ta thấy những người có nếp sống gia đình hoàn mỹ đến chùa thường ứng xử khác với những người có gia đình mất đoàn kết, thiếu đạo đức.
        Có một bộ phận nhỏ Phật tử đi chùa bằng hình thức, tu tướng, tu danh là chính chứ không có thành tâm thành ý với Phật pháp.
Đến chùa kinh kệ sớm chiều,
Trong khi tâm chứa trăm điều ố hoen.
Tam quy ngũ giới Phật răn,
Quy rồi lại để trong ngăn tâm phàm.
Đua nhau áo giới khăn tàm
Thêu thùa lòe loẹt lấy làm hảnh kiêu.
Chia bè, kết phái liêu xiêu,
Khen chê kẻ khác, tu liều, tu mau.
Làm ăn gian dối hùng hào,
Mua hoa cúng Phật, Phật nào chứng cho.
Mẹ cha hất hủi, tiếng to,
Đến chùa lạy Phật, chăm lo cô thầy.
Vợ chồng gây gổ suốt ngày,
Đến chùa dịu ngọt với thầy với nhau.
Họ hàng khinh rẻ quên câu
“Tình thâm cốt nhục” để đâu mất rồi ?
Khó khăn, đói kém lơ lời,
Ôm tiền mê muội chơi bời thì mau.
Tâm tu chẳng thấy lối vào,
Mãi ôm kinh kệ kiếp nào mới xong ?
                                                (thơ Đường tu)

          Tu nhà, tu chợ, tu chùa là ba pháp tu thực tế của người tu tại gia người xưa đã dạy rất rõ ràng cụ thể, người con Phật nên chiêm nghiệm để hành trì trên đường tu của mình. Theo thứ tự sắp đặt ta thấy tu ở nhà trước tiên nên thường khó nhất, vạn sự khởi đầu nan. Vì như trên đã nói, gia đình là một bộ phận gắn bó bằng luật lệ bất thành văn từ bao đời, mỗi thành viên trong gia đình bắt buộc phải tự giác khép mình vào đó để gia đình hoàn mỹ. Nên người tu tại gia không thể giải đãi được.

        Còn đây là câu ngạn ngữ rất hay nói về tu tâm để người tu tại gia suy ngẫm : “Phật trong nhà không cúng, đi cúng Thích-Ca ngoài đường”.
        Có người giải thích một cách thực dụng : có bàn thờ Phật ở nhà không cúng lạy còn đi cúng lạy Phật ở chùa làm gì cho phiền phức. Suy nghĩ như vậy là không đúng với ý nghĩa cao siêu thâm diệu câu ngạn ngữ trên của người xưa để lại. Đạo Phật chú trọng về tâm chứ không chấp tướng, giải thích như vậy là chỉ thấy tướng của câu ngạn ngữ trên thôi.
        Qua 49 năm (có thuyết nói 45 năm) hoằng pháp độ sanh, Đức Phật Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni đã dành 22 năm thuyết kinh Đại Bát Nhã là kinh nói về tâm, 27 năm còn lại Đức Phật thuyết 5.042 kinh khác. Điều đó chứng tỏ Đức Phật chú trọng dẫn dắt chúng sanh đi trên con đường Tâm đạo chứ không chấp tướng.
        Câu “ Phật trong nhà” của câu ngạn ngữ trên là phương tiện chỉ cái chơn-tâm của người tu, còn chữ “ngoài đường” chỉ bên ngoài Tâm, chỉ ngoại cảnh, chỉ cái tướng. Đức Phật đã dạy thực tu :
Tránh làm các việc ác
Nên làm các điều lành
Giữ tâm cho trong sạch
(Sabla papàssa akasanam
Kusalassa upasampadà
Sachittu pario dapanam)
        Rõ ràng Đức Phật chú trọng cái tâm là quan trọng hơn hết, chỉ cần thực hiện như vậy thôi cũng đủ đắc pháp rồi. Tuy lời Phật khai thị ngắn gọn nhưng nghĩa đạo thì rộng lớn bao la không thể nghĩ bàn. Ngài cũng đã dạy trong nhiều bộ kinh lớn : “Trong tâm mỗi chúng sanh (người và động vật) đều có nhân chủng Phật. Chúng sanh thành Phật Phật chủng không tăng, chúng sanh đọa tam đồ Phật chủng không giảm”. Ý Ngài nói Phật ở ngay trong tâm chúng sanh chứ không đâu xa. Lời dạy nầy rất phù hợp với câu ngạn ngữ trên. Lấy Phật trong tâm ra mà tu, tức tâm tức Phật, minh tâm kiến tánh thành Phật. Người tu phải làm cho Phật trong tâm mình sáng rực rỡ như ánh mặt trời bình minh đầu mùa, như ánh trăng rằm vằn vặt chiếu sáng đầu non, mới là thực tu. Còn tu mà nặng hình thức màu mè bỏ quên mất cái tâm thì đó không phải là Phật giáo.
        Một người bạn gái của bần đạo khi còn tu tại gia đã xuất thần sáng tác một bài thơ rồi tự phổ nhạc, tên tác phẩm là "Phật ở trong ta" (bần đạo có giữ đĩa nhạc nầy), lời đạo rất thâm thúy :
Đừng có lanh quanh đi tìm đâu xa
Phật ở trong ta nào có đâu xa
Bao nhiêu năm dong ruỗi khắp nơi
Thân ta đây đày đọa đơn côi
Thân ta như chìm nổi nơi nơi
Giờ đây ta đã có Phật ở trong ta
Giờ đây ta đã có ngọc báu trong ta
Bao năm mê muội giờ đã đi xa
Thân tâm chan hòa tràn đầy hương hoa.
                                                               (Tâm Hiền Trí)

       Người bạn thân thương ấy nay đã là một ni-cô khả kính ẩn tu tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt Việt Nam.
        Ta thấy, tu tại gia tuy đơn giản nhưng rất khó, vì hằng ngày phải kề cận tiếp xúc với bao nhiêu cám dỗ lôi kéo tình cảm của ngoại cảnh, người tu phải rèn luyện cho mình cái tâm vững chắc như kim cương mới không bị sa ngã lầm đường. Thời Phật còn tại thế, có Bồ-tát tại gia Duy-Ma-Cật, đức Phật gọi Ngài là Đại Bồ-tát là như vậy.
Hạ ngươn đạo pháp mờ lu,
Nếu tâm không vững ngục tù chẳng xa.
Tín tâm mà niệm Di Đà,
Hồng danh sáu chữ thật là lớn thay.
Niệm to, thầm niệm hằng ngày,
Tín tâm thường niệm chẳng nài như nhau,
Tà ma ngoại đạo chẳng vào,
Giúp cho tâm vững khác nào kim cương…
                                                                                                   (thơ Cảnh tĩnh)
        Niệm Phật đơn giản nhưng hiệu quả rất cao, nó giúp người tu tại gia luôn không rời chánh niệm, đạt được nhất tâm bất loạn trong bất cứ thời khắc nào, hoàn cảnh nào.
        Ngày nay nền văn minh nhân loại đã phát triển vượt bậc, cuốn hút một bộ phận con người sa vào quỹ đạo quay cuồng theo đời sống vật chất, lơ là  việc trau dồi đạo đức bản thân dẫn đến lối sống vội buông thả, thiếu tư duy, nên tội phạm xảy ra khắp nơi.
Ngày xưa ở khắp mọi nơi,
Người người theo đạo nên đời hiền lương.
Ngày nay thế giới khác thường,
Văn minh vật chất tình thương vơi đầy,
Tranh giành quyền lợi đó đây,
Gây ra chinh chiến họa bay khắp trời.
Mau về với Đạo ai ơi,
Đạo nào cũng dạy những lời lẻ hay…
                                           (thơ Cảnh tĩnh)
        Vì vậy, nếu chưa có nhân duyên xuất gia, người tu tại gia phải luôn trau dồi đạo đức bản thân (thường tu học, nghiên cứu Phật pháp), có trách nhiệm với gia đình (gương mẫu trong cách sống cho mọi người noi theo), có nghĩa vụ với xã hội (tôn trọng luật pháp quốc gia là quốc độ Phật đã dạy ; tham gia các hoạt động từ thiện nhân ái ; hòa kính thương yêu, an ủi giúp đở những người chung quanh lúc ốm đau hoạn nạn,…). Lấy Tam quy Ngũ giới làm thước đo, lấy Bát chánh đạo làm cầu đò, lấy Từ bi hỷ xã làm chất liệu, lấy Mười hạnh Phổ-Hiền làm bệ phóng vào chơn tâm tức cảnh giới Phật Bồ Tát, thì tu tại gia hay xuất gia cũng đồng Phật pháp vậy.
Trong khi gạn đục khơi trong,
Nhiều chơn Phật tử thong dong khiêm nhường.
Tại gia tinh tấn thủ thường,
Sớm chiều niệm Phật, một đường tu tâm.
Đến chùa lễ Phật âm thầm,
Phóng sanh, bố thí, gieo mầm phước trong…
                                                                (thơ Đường tu)

        Người người niệm Phật, nhà nhà niệm Phật ! Sau một ngày lao động vất vả để nuôi sống bản thân, gia đình, có dư ra thì bố thí phóng sanh để tự giải nghiệp xưa. Tối về nhà cả gia đình cùng ngồi xếp bằng trang nghiêm trước bàn thờ chắp tay niệm Phật rồi đi ngủ. Trong một xóm mà có chừng 50% gia đình râm rang niệm Phật hằng đêm như vậy thì cả xóm đó chắc chắn được yên ổn. Còn hơn có chùa bắt loa gióng chuông mõ kinh kệ sớm hôm vang động xóm làng làm cho nhiều người bực mình, nhất là học sinh không học được, người già cả bệnh tật bất an, người tôn giáo bạn phẩn nộ…

        Với ước nguyện của người viết, làm thế nào để biến mỗi ngôi nhà Phật tử thành một ngôi chùa Tịnh độ như vậy thì cần chi phải :
Chùa to, Phật lớn, sư muôn,
Trong khi bá tánh tang thương không nhà.
Chùa vàng, tháp bạc ngọc ngà,
Trong khi bá tánh nhọc nhà cái ăn…
                                                        (thơ Đường tu)
        Gia đình Phật tử khá giả nên hỗ trợ cho gia đình Phật tử khó khăn có một ngôi bàn thờ Phật đơn giản trang nghiêm tịnh độ, để mọi người con Phật đều có điều kiện niệm Phật tại nhà tốt hơn, công đức ba-la-mật ấy thậm thâm bội phần ! Cả nước có khoảng gần 25 triệu ngôi nhà, nếu chỉ cần có 10 triệu ngôi nhà trở thành ngôi chùa Tịnh độ như vậy thì xã hội hạnh phúc biết bao, thế giới an lạc biết bao ! Không cần phải xây chùa mới.

日 日 常 齋 逢 道 幸
時 時 能 念 見 如 來
(Nhựt nhựt thường trai phùng đạo hạnh
Thời thời năng niệm kiến Như-Lai)
Hằng ngày ăn chay sẽ gặp được hạnh đạo
Hằng giờ niệm Phật sẽ thấy được Như Lai

        Tổ sư Đạt-Ma là vị tổ thứ 28 Thiền tông Ấn Độ. Ngài sang Trung Hoa hoằng pháp và sau nầy trở thành sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa. Một hôm Ngài vào triều đình gặp vua Lương Võ Đế thuyết pháp. Vua hỏi :
        -Hiện nay trẫm đã xây 72 tự viện lớn nhỏ trên cả nước, lo trai đàn hằng ngày cho gần 3.000 tăng. Theo Đại sư trẫm có được bao nhiêu công đức ?
        Tổ sư Đạt-Ma xoa râu mĩm cười trả lời :
        -Bệ hạ chỉ có được chút ít phước điền thôi.
        Vua Võ Đế nổi giận đuổi Tổ sư ra khỏi kinh thành. Nhưng sau đó vua hối hận cho quan quân chạy theo mời Ngài về triều lại để tạ tội, việc nầy đã thành một câu chuyện huyền thoại của Thiền tông.
        Qua câu chuyện có thực trên ta thấy công đức tự tâm chứ không do tướng. Vì tất cả của cải kia vua Lương Võ Đế thu vét từ sức dân đen ra mà làm chùa làm trai đàn nên vua chẳng có công đức gì cả, chỉ có chút phước điền thôi. Thâm ý của vua chỉ muốn mình được nổi tiếng trong thiên hạ.

        Vài lời non cạn mạn đàm cùng quý Cư sĩ,  quý Phật tử tu tại gia quý mến. Trong cách diễn đạt ngôn từ nếu có gì vướn mắc xin niệm tình hoan hỷ.
        Cuối cùng xin kính chúc quý Cư sĩ, quý Phật tử ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành trên đường tinh tấn đi theo gót chân của Phật Bồ Tát để sớm đạt được quả vị như ý.

…Nguyện định huệ con chóng viên minh
Nguyện công đức con mau thành tựu
Nguyện phước trí rực tỏa trang nghiêm
Nguyện cùng chúng sanh thành Phật đạo
Nguyện cầu công đức tụ
Tịch tịnh tâm thường niệm
Đại nạn không xâm hại
Trời người hưởng phước lộc
Gặp được Như-ý châu
Quả Phật quyết viên thành !

Nam mô Đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,
Nam mô thường tinh nhẫn Bồ Tát,
Nam mô Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ Tát
Ma ha tát.

                             Phú Ninh - Quảng Nam,
                             mùa an cư PL.2560 (6-2016)
                            NGUYÊN CHƯƠNG
          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét