NGŨ UẨN
(5 nhóm kết hợp thành con người)
NGUYÊN CHƯƠNG
mạn
đàm
TỊNH THẤT NGUYÊN CHƯƠNG
Tổ 2, thôn Khánh An, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh,
Tỉnh Quảng Nam
ấn tống
Người Phật tử trên đường tu, trước hết phải thấu triệt
chánh pháp để khỏi lầm lẫn rơi vào mê tín, làm sai lệch tư tưởng khoa học vĩ đại
của Phật giáo, khiến cho giáo lý nhất quán của Phật bị lai nhiễm với những thuyết
khác.
Việc tìm hiểu rốt ráo Phật pháp nên để
cho các nhà nghiên cứu, nhưng họ cũng chỉ mỗi vị một phần nhỏ trong kho tàng rộng
lớn của Phật giáo mà thôi. Còn chúng ta thì chỉ cần chọn một pháp môn gọn nhẹ,
tinh tấn phù hợp với khế cơ và nhân duyên để thực hành đủ để đắt pháp ngay
trong đời nầy. Vì mỗi giáo lý của Phật như một phương thuốc chữa bệnh khổ, bệnh nào chữa thuốc đó, sai thuốc tất bệnh càng nặng
thêm.
Suốt đời tu
một pháp môn,
Khi ta đắc
pháp muôn ngàn pháp theo.
(Sư phụ Đức Chơn)
Tu là hành chứ tu không phải chỉ lý
thuyết suông. Phật để lại 5.043 kinh tạng, nếu học tụng cho hết thì phải mấy đời
người. Vì sao vậy ? Vì khi còn tại thế Phật chỉ khai thị, tức là nói ngắn gọn
mà không viết thành chữ (Phật thuyết).
Sau khi Phật nhập diệt, các đại đệ tử của Ngài mới vân tập lại, diễn giải thêm
cho rõ nghĩa thể hiện thành văn bản, nhất là Ngài A-Nan có trí nhớ tuyệt vời, gọi
là đệ-nhất-đa-văn trong thập đại đệ tử của Phật. Rồi hàng nghìn năm sau qua ba
lần hội tập kinh tạng, mỗi lần thêm một ít, rồi mỗi vị sao dịch kinh lại thêm một
ít nữa theo cách suy luận chủ quan nên sau nầy kinh sách Phật mới dài lê thê đến
thế. Vì thế người tu Phật nên học cái chính yếu của giáo lý trong pháp môn mình
tu để khỏi chiếm mất thời gian thực hành, chứ không học, tụng vẹt rồi không hiểu gì
cả. Phật phàn nàn : “Theo Ta mà không hiểu Ta là báng bổ Ta” là ý đó. Thực hành là
mục đích chính của người tu Phật, là áp dụng Phật giáo vào cuộc sống chứ không
để giáo lý nằm ngủ quên trên giấy.
Tu là lăn xả
giúp đời,
Tu không ôm
mõ mà ngồi tụng suông.
Sách kinh phải
đọc cho thông,
Đừng nên tụng
vẹt rồi không hiểu gì.
Lời kinh như
thể hoa Quỳ
Toả hương
thơm ngát bay đi khắp trời.
Kinh hay phải
nhớ từng lời,
Từng câu, từng
chữ để dồi theo kinh.
Nghe kinh để
sửa tâm mình
Sáng trong
như ánh bình minh đầu mùa.
Nghe kinh
như Bụt ở chùa,
Đừng nghe
như thể gió lùa qua khe.
(trích thơ KHUYÊN CON – Nguyên Chương)
Trong phần tìm hiểu về Ngũ-uẩn, người
Phật tử cần phải biết rằng Ngũ-uẩn là một trong những giáo lý quan trọng của Phật
giáo để thông suốt tu hành đến rốt ráo. Ngũ-uẩn là bài giảng Đức Phật
Thích-Ca-Mâu-Ni dạy trong kinh Tứ-diệu-đế đầu tiên đã thuyết pháp cho năm anh
em Kiều-Trần-Như sau khi Phật đắc đạo.
Vậy Ngũ-uẩn là gì ? Ngũ-uẩn
là tiếng Tàu. Ngũ là năm; Uẩn là chứa, gom góp, nhóm. Uẩn tiếng Pali là Khandha.
Ngũ-uẩn là năm nhóm kết hợp thành con người, đó là : Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành
uẩn và Thức uẩn. Phật chia Ngũ-uẩn ra hai phần : Sắc và Danh. Sắc (tức Sắc uẩn, thân thể) thuộc vật chất, Danh (gồm Thọ, Tưởng, Hành và Thức uẩn) thuộc
tinh thần hay linh hồn.
Tứ-đại
là 4 thứ đất, nước, lửa gió hợp thành cơ thể con người và loài vật nhưng thuộc
về vật chất (sắc). Còn Ngũ-uẩn gồm cả hai
phần vật chất (Sắc) và tinh thần (Danh) hợp lại thành cơ thể con người
và loài vật. Nói cách khác cho dễ hiểu, Tứ-đại là Sắc uẩn trong Ngũ-uẩn vậy.
Bây giờ chúng ta mạn phép đàm đạo sâu hơn một
chút về năm Uẩn.
1.Sắc uẩn : Sắc là vật chất, là tướng, tức phần thân thể con người, gồm
có đầu, mình, tay, chân, lục phủ, ngũ tạng, thịt, xương, máu huyết, râu tóc, hệ
thống dây thần kinh,…
Phật giải thích Năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp xúc với
Sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp) sinh ra cái tướng của Sắc uẩn, ta thường gọi là sắc tướng.
Phần nầy đã tạm rõ ràng, không cần phải bàn
thêm.
2. Thọ uẩn : Thọ là nhận, là những cảm
nhận được từ cảnh giới bên ngoài, như vui, buồn, sướng, khổ, ngon, dở, đẹp, xấu, ưa, ghét, mềm, cứng,…
Thọ uẩn được chia ra 3 loại : Lạc thọ,
Khổ thọ, Xả thọ hay Vô ký thọ.
-Lạc
thọ : là sự cảm nhận niềm vui sướng, hạnh phúc, đắc ý, thoả mãn do cuộc sống
đem lại.
-Khổ
thọ : là sự cảm nhận nỗi bất hạnh, khổ đau, bực tức, giận hờn, thù hận do
cuộc đời đưa đến.
-Xả
thọ, hay Vô ký thọ : là sự cảm nhận bình thản tâm hồn, nghĩa là không vui không buồn, lúc
nào cũng dững dưng trước mọi sự việc xảy ra (chứ
chưa phải tự tại), tức không có cảm giác Lạc thọ và Khổ thọ.
Muốn đạt được Xả thọ thì phải diệt
tham, sân. Vì muốn ăn ngon mặc đẹp sống sướng thì khởi lòng tham lam (lạc thọ); vì không đạt được ý nguyện
nên mới khởi tâm sân hận, bực tức, lo buồn (khổ
thọ). Chính Lạc thọ và Khổ thọ làm cho con người trôi lăn mãi trong luân hồi
sanh tử, không vượt qua sông mê để đến bến bờ giải thoát được.
3. Tưởng uẩn : Tưởng là nhớ đến,
nghĩ đến. Sau khi năm căn tiếp xúc với sáu trần thì phát khởi buồn vui sướng khổ,
từ đó sinh ra so sánh, tưởng nhớ, lưu luyến rồi dẫn đến phân biệt hơn thua, chấp
trước.
Vì tâm chúng sanh luôn biến động, sinh
diệt bất thường, không dừng lại ở một chỗ nào nhất định, khi vui lúc buồn, vui
buồn lẩn lộn, nên tư tưởng không lúc nào yên, nó ví như con khỉ leo trèo lung
tung. Chính Tưởng uẩn làm cho con người không định được hướng đi trong cuộc sống.
Khi thích thế nầy lúc thích thế kia, khi muốn hơn người nầy lúc muốn bằng người
nọ. Đứng núi nầy trông núi nọ, từ đó
sinh ra chấp trước, mê lầm, khổ đau.
4. Hành uẩn : Hành là làm. Sau khi
so sánh phân biệt tưởng nhớ hơn thua thì ý niệm bắt đầu sai khiến thân và miệng
hành động theo ý muốn.
Ví như thấy một món ăn ngon bán trong
tiệm thích quá mà không có tiền mua, sự thèm ăn liền khởi sanh ý muốn chiếm đoạt
nó. Khi ý đã quyết thì miệng lẩm bẩm “phải lấy nó”, miệng nói tay làm, cuối
cùng bị phạm tội trộm cắp, tức là thân khẩu ý đã tạo nghiệp tham lam.
5. Thức uẩn : Thức là kho chứa tất cả những khởi sanh, vọng tưởng, hành
động từ Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn và Hành uẩn, Phật gọi là A-lại-da-thức là
thức thứ tám trong Bát thức. Khi con người hay con vật chết thì thân xác tan rã
(Sắc), nhưng Thức uẩn (kho chứa Thọ, Tưởng, Hành uẩn) vẫn còn
nguyên, có thể gọi nó là Linh hồn. Nếu Linh hồn đó chưa được siêu thoát thì sẽ
còn ở trong Lục đạo luân hồi. Khi đủ nhân duyên Linh hồn đó nhập vào một thân
thể khác cũng đồng thời duyên hợp (tức lúc
con người hay con vật giao hợp), mang theo toàn bộ những gì con
người hay con vật đã tạo ra trong đời sống trước khi chết, như thiện ác, vui buồn,
hay dỡ, tốt xấu,... để tạo ra một con người hay con vật có thân mới nhưng phần Linh
hồn (tức A-lại-da-thức) thì của đời sống
cũ hợp lại thành thân Ngũ-uẩn mới. Từ cuộc sống mới đó con người hay con vật sẽ
tiếp tục thêm bớt những thiện ác (tức
nghiệp) chứa đựng trong A-lại-da-thức cũ để làm thành một A-lại-da-thức mới
tức Linh hồn mới.
Tóm lại, theo thuyết nhân quả của Phật giáo, do nhân duyên hòa hợp
tất cả những duyên nghiệp từ trong những đời quá khứ (A-lại-da-thức - Linh hồn) cùng với đất, nước, lửa, gió
trong vũ trụ (Sắc uẩn - Tứ đại) kiến tạo ra con người trong kiếp nầy, Phật gọi là thân giã tạm. Do
vậy con người hay con vật chỉ là sự kết hợp, tạo thành của Ngũ-uẩn, bởi vì Uẩn có nghĩa là tích
tụ, tập hợp lại thành một khối. Nói một cách dễ hiểu là thân thể con người hay
con vật gồm có hai phần là thân xác và linh hồn. Phần thân xác có hình dáng nên
gọi là Sắc, còn phần linh hồn vì không có hình sắc nên gọi là Danh bao gồm Thọ
uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Vậy Ngũ-uẩn là một danh từ dùng chỉ con
người hay con vật, hay nói một cách rộng rãi là chỉ toàn thể người và vật trong
vũ trụ nhân sinh.
Cũng như cách lý
giải trong quyển “Địa ngục và đầu thai” người viết đã trình bày, nếu trong đời
nầy kiếp nầy con người sống tốt thì Linh hồn tức A-lại-da-thức chứa toàn điều
tốt sẽ thanh sạch, nên sau khi chết Linh hồn sẽ được thu hút về những địa cầu có
toàn những Linh hồn thanh sạch từ nhiều kiếp đã về ở đó, sống vui vẻ hòa
thuận với nhau, không già không chết không thối chuyển, gọi là cõi Cực Lạc hay
Lạc Quốc, Thiên đường. Những linh hồn ở cõi nầy gọi là Tiên, Thánh. Còn nếu
sống ngược lại, thì Linh hồn sẽ không được thu hút về đó, mà sẽ bị hút về những
địa cầu khác trong Lục đạo luân hồi có cùng tầng suất nhân điện mà người viết
đã trình bày trong quyển “6 nẻo luân hồi”.
Trong Bát-nhã tâm kinh,
đọc đủ là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm
kinh, Đức Phật chủ yếu khai thị về Ngũ-uẩn như
sau : “Xá-Lợi tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không,
không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”. Nghĩa là
: “Nầy thầy Xá-Lợi-Phất ! Ông nên hiểu rằng,
Sắc không khác Không, Không không khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy”. Ý Phật dạy người tu luôn giữ tâm
bình đẵng không phân biệt, chấp trước,
luôn giữ tâm không dính mắc vào Ngũ-uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Được như
vậy sẽ thoát khỏi luân hồi sanh tử chứng quả Niết-bàn.
Chữ Không Phật dạy ở đây không phải là
không trơn, không có gì hết, mà Không là tâm không dính mắc vào vạn pháp, tâm đứng
ra ngoài vạn pháp, tâm bao trùm vạn pháp vậy.
Bát-nhã
tâm kinh chỉ gồm có 260 chữ nói về Ngũ-uẩn, nhưng là bộ kinh rốt ráo tính “Không” của Phật,
nó bao trùm huyền nghĩa tất cả các kinh khác, tức dung nhiếp vạn pháp, nên gọi
là tâm kinh. Trong bộ kinh thực ra chỉ có 25 chữ đầu là cốt lõi của kinh : “Quán-Tự-Tại
Bồ-Tát hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến Ngũ-uẩn giai không, độ
nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là : “Bồ-tát Quán-Tự-Tại trong khi ngồi thiền thâm nhập sâu vào đại định, thấy rằng Ngũ-uẩn đều mang tính “Không”, nên
người tu nếu quán chiếu được như vậy sẽ đắc đạo giải thoát”.
Phần
giữa chủ yếu Phật giải nghĩa rõ thêm về tính Không của Ngũ-uẩn đề ra ở phần mở đầu,
cố Đại lão Hoà thượng Thích Huệ Đăng (sơ Tổ tông Thiên Thai Việt Nam) dịch ra Việt ngữ diễn thơ phần nầy rất hay
:
Toà Sắc tướng nhơn ông
tạm đó,
Các pháp kia tướng nọ
luống trơn.
Chẳng sanh, chẳng diệt,
thường trơn,
Ghẳng cấu, chẳng tịnh,
chẳng sờn, chẳng thêm.
Cớ ấy nên cõi trên không
giới,
Thể làu làu vô ngại
thường chân.
Vốn không Ngũ-uẩn, ấm, thân,
Sáu căn chẳng có, sáu
trần cũng không.
Thấy rỗng không mà không
nhãn giới,
Biết hoàn toàn thức giới
cũng không.
Tánh Không sáng suốt đại
đồng,
Vô minh chẳng có, mựa
hồng hết chi.
Vẫn không có thân gì là
chết,
Huống chi là hết chết,
già sao ?
Tứ-đế cũng chẳng có nào,
Không chỉ là trí, có nào
đắc chi.
Do vô-sở-đắc ly tất cả,
Thân pháp kia đều xả nhị
Không.
Vận lòng trí huệ tinh
thông,
Bờ kia mau đến tâm không
ngại gì.
Không quái ngại có chi
khủng bố,
Tức xa lìa mộng tưởng
đảo điên.
Tâm Không, rốt ráo chư
duyên,
Niết-bàn quả chứng chơn
nguyên hoàn toàn.
Tam thế Phật, y đàn
Bát-nhã,
Đáo Bồ-đề chứng quả
chánh nhơn.
Cho hay Bát-nhã là hơn,
Pháp môn tối thắng cõi
chơn mau về.
Thiệt thần chú linh tri
đại lực,
Thiệt thần chú đúng bực
quang minh.
Ấy chú tối thượng oai
linh,
Ấy chú vô đẳng thinh
thinh vô thần.
Trừ tất cả nguyên nhân
các khổ,
Thức tỉnh lòng giác ngộ
vô sư.
Bát-nhã tâm kinh là bộ thần chú oai linh tối thượng đưa tâm về Không. Ba
đời Chư Phật cũng đều nói pháp y như vậy !
Phần
cuối kinh, Đức Phật truyền tâm chú để người tu mật niệm đưa tâm về “Không”: “Yết-đế,
yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha” (Ga-tê, ga-tê, pa-ra ga-tê, pa-ra-săn ga-tê,
bô-đi soá-ha). Cho nên theo
người trình bày, người tu chỉ cần quán triệt rốt ráo huyền nghĩa trong Bát-nhã tâm kinh là đắc được đạo giải thoát ngay trong đời nầy.
Vì tầm quan trọng như vậy nên Đức Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật đã dành 22 năm ròng rã trong 49 năm hoằng pháp độ sanh để thuyết pháp bộ kinh Bát-nhã nầy, 27 năm còn lại Đức Phật thuyết 5.042 kinh khác.
Vì tầm quan trọng như vậy nên Đức Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật đã dành 22 năm ròng rã trong 49 năm hoằng pháp độ sanh để thuyết pháp bộ kinh Bát-nhã nầy, 27 năm còn lại Đức Phật thuyết 5.042 kinh khác.
Phần mạn đàm đến đây tạm dừng. Con cúi xin trên chư Tôn Đức nếu có chỗ nào thiển cận thì hoan
hỷ chỉ bày
thêm để con được rốt ráo. Mong quí chư Thiện tri thức góp ý bổ sung chỉnh lý để
góp phần giúp những người mới tu Phật đạo được rõ nghĩa hơn về Ngũ-uẩn hầu tu
hành đắc quả giải thoát ngay trong đời nầy.
Nam mô Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật,
Nam mô Quán Tự Tại Bồ-Tát,
Nam mô thường tinh nhẫn Bồ-Tát ma ha tát.
Phú Ninh – Quảng Nam
Tháng 12-2015
NGUYÊN CHƯƠNG
Bìa sách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét