CỐT TỦY CỦA
THIỀN MINH SÁT
(thiền
Tứ-niệm-xứ)
CHÁNH PHÁP CỦA BỔN SƯ TÍCH-CA-MÂU-NI PHẬT
Trích trong "Mặt Hồ Tĩnh Lặng"
của Thiền sư Ajahn Chah,
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch
Như Lai Thiền Viện, Hoa Kỳ 1993.
Quan
sát hơi thở ra vào mà bạn tỉnh giác và hoàn toàn ổn định tâm là bạn đã thở đúng
cách rồi đó (tức là đã hành đúng phần Thân của thiền Minh-sát).
Khi bị phóng tâm,
bạn hãy dừng lại, điều chỉnh sự chú tâm,
trở về với đề mục chính của mình (là hơi thở
vào ra). Thoạt đầu, khi chú tâm vào hơi thở, tâm bạn có khuynh
hướng muốn đưa hơi thở đi theo một chiều hướng nào đó. Hãy bình thản, đừng lo
lắng hay tìm cách điều chỉnh nó. Bạn hãy quan sát nó, và để nó tự nhiên. Thiền
sẽ (khởi tạo) cho tự nó phát triển.
Khi bạn làm như thế, có lúc bạn sẽ thấy (có
cảm giác) hơi thở ngưng hẳn (quên
mình đang thở), nhưng đừng sợ, bạn sẽ thở lại điều hòa với hơi thở sau đó.
Sự ngưng thở chỉ là cảm giác phát sinh từ tri giác của bạn, thực ra hơi thở vẫn
tự nhiên và nhẹ nhàng tiếp nối. Một lát sau bạn sẽ thấy hơi thở rõ ràng như
trước.
Nếu bạn tiếp tục giữ tâm an tịnh như thế thì bất kỳ bạn đang ở nơi nào :
đang ngồi trên ghế, đang đi bộ, đang ở trên xe, trên tàu,… bạn đều có thể chú
tâm vào đề mục và bước vào trạng thái an lạc một cách mau chóng dễ dàng.
Bất kỳ bạn đang ở đâu, bất kỳ lúc nào,
bạn đều có thể hành thiền được cả.
Quanh Ngài (Đức Bổn sư) ngàn vị cao tăng,
Uy nghi, điềm đạm, siêng năng giúp đời.
Ân cần giáo hóa khắp nơi,
Đâu cần xe cộ, không lơi dòng thiền.
(thơ NGUYÊN CHƯƠNG)
Khi đạt đến sự tiến
bộ này thì bạn đã hiểu Đạo phần nào rồi đấy. Nhưng bạn phải (còn tiếp tục) quan sát những đối tượng
của giác quan nữa (tức bước thứ hai
chuyển qua Thọ).
Hãy hướng tâm an tịnh của bạn vào hình sắc, âm thanh,
mùi vị, sự đụng chạm (xúc) và suy nghĩ (pháp). Tất cả mọi đối tượng của thân và
tâm đều là đề mục để bạn hướng đến (một
cách khách quan). Bất kỳ cái gì phát
sinh đều phải quan sát, ghi nhận; phải ghi nhận dù bạn thích hay không thích
chúng. Hãy ghi nhận một cách khách quan, đừng để đối tượng yêu ghét ảnh hưởng
đến tâm mình. Yêu, ghét chỉ là những phản ứng đối với thế giới bên ngoài. Bạn
phải có cái nhìn sâu rộng hơn. Dần dần bạn sẽ thấy mọi cảm giác yêu ghét thực
ra chỉ là sự vô thường, khổ và vô ngã.
Hãy xếp mọi tốt, xấu, hay, dở vào ba loại vô thường, khổ và vô ngã. Dầu chúng
thế nào đi nữa cũng để chúng yên, chỉ quan sát mà đừng can thiệp vào chúng. Đó
là cách hành thiền Minh-sát. Làm như thế
tất cả (tâm ta) sẽ được bình an tĩnh
lặng.
Chẳng bao lâu, tuệ giác, vô thường, khổ, vô ngã sẽ xuất hiện. Đó là bước
đầu của trí tuệ thật sự, cốt tủy của thiền, dẫn đến giải thoát. Hãy theo dõi
kinh nghiệm của mình, nhìn nó (một cách
khách quan) và tiếp tục cố gắng để thấy chân lý. Hãy học cách khước từ (ngoại cảnh), không vướng mắc để đạt đến
bình an tĩnh lặng.
Trong khi hành
thiền, nhiều hiện tượng kỳ lạ sẽ đến với bạn : bạn sẽ thấy ánh sáng, thấy chư
Thiên, thấy Phật,... (qua bước thứ ba gọi
là Tâm). Khi thấy những điều đó
bạn hãy quan sát mình trước để tìm xem tâm mình đang ở trạng thái nào. Chớ quên
điểm căn bản này. Hãy chú tâm, chớ mong mỏi thấy gì, cũng chớ mong hình ảnh
đừng đến với mình. Nếu bạn theo đuổi những hình ảnh này, bạn sẽ rơi vào tình
trạng ngơ ngẩn vô vị, vì tâm đã đi ra ngoài tình trạng ổn cố. Vậy thì khi những
hình ảnh ấy đến, bạn hãy quan sát chúng (một
cách vô tư). Khi quan sát chúng, bạn phải tự chủ, đừng si mê theo chúng. Bạn hãy quán chiếu rằng chúng chỉ là vô thường, khổ và vô
ngã. Khi chúng có đến gần bạn đi nữa, bạn cũng đừng lấy đó làm điều quan
trọng, hãy nhìn chúng rồi để chúng tự ra
đi. Nếu chúng không đi, cũng vẫn tự nhiên, bấy giờ hãy trở về với
mục đích của bạn, đó là hơi thở. Bạn
hãy thở ra vào ba hơi thật dài, mọi hình ảnh sẽ biến mất. Bất kỳ cái gì hiện ra
cũng mặc, hãy tái lập sự chú tâm vào hơi
thở. Đừng nắm lấy cái gì bên ngoài mà xem đó là của mình. Những gì bạn
thấy chỉ là những hình ảnh hay những cấu trúc do tâm tạo ra. Đó là sự giả tạo,
hư ảo, gây nên yêu thích, nắm giữ hay sợ hãi. Đừng đắm mình vào khi thấy những
cấu trúc giả tạo này. Mọi kinh nghiệm bất thường đều đem đến lợi ích cho kẻ
trí, nhưng là mối tai họa cho người thiếu khôn ngoan. Hãy tiếp tục hành thiền
cho đến khi nào bạn không còn bị những hình ảnh ấy quấy nhiễu nữa.
Nếu bạn có thể phó mặc cho tâm như thế thì không còn gì khó khăn nữa.
Nếu tâm muốn vui, bạn chỉ cần ý thức rằng niềm vui này không vững bền. Bạn có
sợ những hình ảnh xuất hiện trong tâm bạn hay sợ những kinh nghiệm khác mà bạn
gặp trong lúc hành thiền không ? Hãy tự nhiên làm việc với chúng. Bằng cách này
bạn có thể dùng phiền não để huấn luyện tâm mình, và bạn sẽ hiểu được bản chất
tự nhiên của tâm, thoát khỏi mọi thái cực, rõ ràng và không dính mắc.
Tâm
chỉ là một điểm đơn giản, là trung tâm của vũ trụ, và những thứ ngoài tâm chẳng
khác nào người khách đến ngụ trong một thời gian (đây là bước thứ tư chuyển qua Pháp).
Hãy tìm hiểu kỹ những vị khách này (tức
cảnh giới ngoài tâm, đối tượng của tâm). Hãy làm quen với những bức tranh
sống động do họ vẽ ra và những câu chuyện hấp dẫn do họ kể, hãy ngoan ngoãn
nghe họ (nhưng không dính mắc vào những
gì họ tạo ra). Nhưng nhớ đừng rời khỏi chỗ ngồi của bạn, bởi vì ngoài
chiếc ghế bạn đang sử dụng không còn chiếc ghế nào khác quanh đấy nữa.
Nếu bạn tiếp tục giữ chỗ ngồi không rời, chào mừng từng vị khách mỗi khi họ
đến, nghĩa là luôn luôn giữ chánh niệm, chuyển tâm đến những người hiểu biết,
tỉnh thức, thì những người khách khác cuối cùng sẽ không đến nữa. Nếu bạn thực
sự chú ý đến họ thì họ sẽ đến với bạn bao nhiêu lần nữa ? Chuyện trò với họ,
bạn sẽ hiểu rõ từng người một. Chắc chắn cuối cùng tâm bạn sẽ an tịnh.
(Hoà thượng Long Nha bên Tàu đã ví tâm như
cây và cảnh (tức khách nói ở trên) như chim : “Cây để cho chim đậu, chim đến
cây không mời gọi, chim bay cây không xua đuổi. Nếu tâm người cũng như cây thì
chẳng khác tâm Phật là mấy”).
(Chúc
các bạn thành công với thiền Tứ-niệm-xứ (Thân,
Thọ, Tâm, Pháp), hay thiền Minh-sát, chánh pháp của Bổn sư Thích-Ca-Mâu-Ni
Phật. Khi Đạt-Ma Tổ sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo cũng chỉ dạy thiền Tứ-niệm-xứ. Các đời Tổ thiền sau nầy của Trung Quốc mới "sáng tác" thêm các pháp thiền Công-án, Quán thoại đầu, Sổ tức quán, quán đảnh,... Đến đời Lục tổ Huệ Năng thì truyền lại thiền Tứ-niệm-xứ như sơ Tổ).
Tham thiền nhập định khó chi,
Nương theo hơi thở ta đi về nhà.
NGUYÊN CHƯƠNG
sao chép từ internet
tháng 01-2016
(trong ngoặc trong là phần ghi thêm của NC)
* Bài nầy nhằm bổ sung đầy đủ hơn cho tập
"PHƯƠNG PHÁP NGỒI THIỀN" của Nguyên Chương đã phát hành.
"PHƯƠNG PHÁP NGỒI THIỀN" của Nguyên Chương đã phát hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét