Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016





CÁC BÀI CÚNG
thông dụng

NGUYÊN CHƯƠNG
biên soạn

TỊNH THẤT NGUYÊN CHƯƠNG
Tổ 2, thôn Khánh An, xã tam Dân, huyện Phú Ninh,
Tỉnh Quảng Nam

          Dân tộc Việt Nam nói riêng, Á Châu nói chung, có truyền thống cúng bái, giỗ kỵ. Đây là tín ngưỡng ngàn đời được tôn trọng của các dân tộc, nó góp phần giữ vững nền độc lập và chủ quyền của một quốc gia.
        Tuy nhiên, việc cúng bái cũng phải mang ý nghĩa tinh thần tinh tấn, khoa học, tránh mê tín dị đoan dẫn đến lãng phí, giết mổ làm tổn hại đến sinh vật tạo thêm nghiệp ác cho những người đã khuất.
        Chánh pháp của Phật giáo không có việc cúng bái không tốt như nói ở trên. Từ lâu Nguyên Chương thường hướng dẫn các Phật tử tự thực hiện các lễ cúng thông dụng như : cúng giỗ kỵ, cúng ngoài trời, cúng rằm mùng một, cúng phóng sanh nhẹ nhàng và tinh tấn. Không cần phải mời thầy tốn kém phiền phức, tự ta đem lòng thành tôn kính ra để hành lễ có ý nghĩa đạo lý hơn nhiều. Ví như giỗ kỵ cha mẹ ông bà, là con cháu ta phải đích thân thành tâm cúng mời các vị về chứng lễ mới gọi là hiếu đạo, chứ nhờ thầy cúng giống như dọn bữa ăn ra mà nh người khác mời dùm là thất lễ. Hay như việc phóng sanh, khi ta thương hại một con vật nào đó bị trói nhốt chuẩn bị giết mổ, động lòng từ bi ta mua lại thả nó về với thiên nhiên, thì lúc đó tâm ta là tâm Phật Bồ-Tát, tại sao không lấy chân tâm đó ra hành thiện ngay, cứu mạng sống như cứu lửa cháy, mà phải nhờ thầy cúng bái làm giúp, bắt sinh vật đó phải chờ đợi lễ nghi rườm rà tội nghiệp, như vậy mất hết ý nghĩa từ bi lúc đó của ta rồi. Giống như các đợt ân xá tù nhân, đến giờ họ trông được đoàn tụ với gia đình mà phải chờ diễn văn nầy phát biểu nọ, có nhiều tù nhân ngất xỉu tại hội trường vì hồi hộp chờ đợi quá lâu. Trực tiếp phóng sanh, bố thí, cúng bái tức là thực hành hạnh ba-la-mật đó.
        Việc cúng bái như trên đã có nhiều Phật tử thấy rõ sự linh nghiệm. Như cá, tôm, lươn, chim, gà, vịt đã phóng rồi mà vẫn quấn quít không chịu rời, lươn thì ngóc đầu lên cao khỏi mặt nước chắp chắp miệng như muốn nói lời cảm ơn, đến khi một Phật tử nói một vài lời động viên thì các sinh linh đó mới chịu đi. Có lần Nguyên Chương dự một buổi phóng sanh ở hồ Phú Ninh Quảng Nam, trong khi Phật tử cầm giấy đọc thì hai con cá lóc tự phóng ra khỏi thau nước rồi bơi lẩn quẩn quanh đó. Khi phóng sanh xong, đoàn đi về, hai con cá đó bơi dọc theo kênh Phú Ninh như muốn đưa tiễn, NC thấy vậy đưa tay vẫy thì hai vị mới lặn sâu xuống h. Thật dễ thương làm sao !
        Để quý Phật tử chủ động thực hành cúng bái dễ dàng, Nguyên Chương đã biên soạn nội dung các bài cúng gọn nhẹ nhưng đầy đủ sau đây :

Bài CÚNG GIỖ KỴ

       Nếu có cúng ngoài trời thì cúng ngoài trời trước theo bài Cúng Thị Thực (phần sau) rồi mới cúng trong nhà.
      Chủ lễ kiểm tra lễ vật đã đủ chưa, thắp hương các nơi, xong cầm 3 cây hương xá 3 xá rồi quỳ xuống trước bàn thờ, hai tay cầm  hương đưa lên ngang trán xá rồi khấn dâng hương :
Nguyện mây hương hoa nầy
Biến khắp mười phương cõi
Tất cả các Phật đ
Vô lượng hương trang nghiêm
Đầy đủ Bồ-Tát đạo
Thành tựu hương Như-Lai
Nam mô hương cúng dường Bồ-Tát
Nam mô hương cúng dường Bồ-Tát
Nam mô hương cúng dường Bồ-Tát ma ha tát.  (cắm hương - 1 lạy)  
      
        Hôm nay,  ngày……… tháng……… năm……………..
tại………………………………………………. là ngày húy kỵ của …………………………………………………………
      Con tên là (họ và tên, quan hệ)…………………………… thành tâm cẩn soạn hương đăng, hoa quả, trầm trà, vật thực, hiệp cùng toàn gia nam nữ đại tiểu đẵng thành kính cung nghinh (danh tính, tuổi, ngày tháng năm mất của người đã  khuất)……………………………………….. Lễ tuy bất túc lòng thành hữu dư, cúi xin chư Thiên và thân thuộc hoan hỷ giáng lâm.
      (Lạy 3 lạy rồi đứng lên ,rót rượu, trà tuần thứ nhất. Xong quay về đứng thẳng giữa bàn thờ, chắp tay khấn) : 
Ngã kim phụng hiến Cam Lồ vị
Lượng đẵng Tu Di vô quá thượng
Sắc hương mỹ vị biến hư không
Duy nguyện từ bi ai nạp thọ.
Nam mô phổ cúng dường Bồ Tát
Nam mô phổ cúng dường Bồ Tát
Nam mô phổ cúng dường Bồ Tát ma ha tát.
     (Xá 3 xá, châm rượu, trà tuần 2, rồi quay về đứng giữa bàn thờ, chắp tay khấn tiếp) :
Thử thực sắc hương vị
Thượng cúng thập phương Phật
Trung phụng chư hiền Thánh
Hạ cập lục đạo phẩm
Đẵng cúng vô sai biệt
Tùy nguyện giai bảo mãn
Linh kim thí giả
Đắc vô lượng ba la mật.
      “Úm nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng”  (3 lần).
      (Xá 3 xá, châm rượu, trà tuần 3, lạy 3 lạy hay 3 bái rồi lui ra đứng một bên hầu lễ. Thân thuộc ai lạy thì vào lạy. Chờ cho hương đèn gần tàn rồi chủ lễ xướng lời cảm tạ) :
      Lễ cúng đến đây đã mãn. Nếu lễ vật, pháp cúng có điều gì sai sót con cúi xin chư Thiên và chư hương linh thân thuộc niệm tình tha thứ bỏ qua.
      Nam mô A Di Đà Phật.
      (Lạy ba lạy, đốt áo giấy (nếu có) rồi tất lễ. Hoặc để áo giấy vọng đến tối thắp hương trên bàn thờ rồi đốt cũng được).

**Tất lễ**


Bài CÚNG PHÓNG SANH
        (Thắp 3 cây hương, hai tay cầm ngang trán, hướng về phía nơi phóng sanh xá 3 xá rồi khấn) :
      Nguyện mây hương hoa nầy
      Biến khắp mười phương cõi
      Tất cả các Phật độ
      Vô lượng hương trang nghiêm
      Đầy đủ Bồ Tát đạo
      Thành tựu hương Như Lai
      Nam mô hương cúng dường Bồ Tát
      Nam mô hương cúng dường Bồ Tát
      Nam mô hương cúng dường Bồ Tát ma ha tát.   (1 xá)

ĐẢNH LỄ :
      Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
      Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật,
      Nam mô đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật,
      Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát,
      Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát,
      Nam mô u minh giáo chủ đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,
    Nam mô thập phương pháp giới nhứt thiết Tam Thừa Hiền Thánh Tăng,
      Nam mô Thiên Long Bát Bộ hộ giáo hộ giới chư vị Thiện Thần.

PHÓNG SANH :
      Hôm nay ngày……….tháng………..Năm…………………. 
tại …………………………………………………………..............
      Tín chủ (họ tên, tuổi, pháp danh nếu có) hiệp cùng (những người cùng tham gia)..........................................   Vâng theo lời Phật dạy, hãy trải lòng thương yêu vô lượng đến tất cả mọi loài chúng sinh. Tìm cách giải thoát cho loại sinh linh nào mình thấy bị giam nhốt còng trói để trả họ về cảnh giới tự do của họ.
      Hôm nay chúng tôi và quí vị do có nhân duyên từ kiếp trước, nhìn thấy quí vị lâm vào cảnh lao lý nơi chợ búa mà chẳng đành lòng. Nên chúng tôi phát nguyện tâm thành mua lại để phóng sanh giải thoát quí vị về với thiên nhiên tự tại sống được ngày nào tốt ngày đó. Quí vị hãy cùng chúng tôi xướng niệm hồng danh A Di Đà Phật từ bi tiếp độ :
A Di Đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải
Quang trung hoá Phật vô số ức,
 Hoá Bồ Tát chúng diệc vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đai từ Đại bi tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật,
      (tất cả đồng niệm) Nam mô A Di Đà Phật (vừa niệm liên tục vừa phóng sanh cho đến khi xong, rồi xá 3 xá, cắm hương).   
HỒI HƯỚNG
      Xin hồi hướng công đức này đến (cho ai có đóng góp mà không có mặt),  rồi đồng niệm :
Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Nam mô A Di Đà Phật  
(xá 3 xá).

**Tất lễ**


Bài CÚNG DƯỜNG, THỊ THỰC
 (Dùng vào lễ cúng ngoài trời,
cúng rằm, mùng một)

      (Thắp hương các nơi, xong cầm hương ngang trán quỳ xuống hoặc đứng thẳng xá 3 xá rồi khấn) :
      Hôm nay ngày………………….., tại khuôn viên nhà ở…………………………………………………………………….., gia chủ (họ tên, tuổi)…………………………………………. (nếu dùng cho cúng giỗ kỵ thì khấn thêm : Nhân ngày húy kỵ của (ngôi vị, họ tên………………………………) hiệp cùng toàn gia nam nữ đại tiểu đẵng, chúng con có lễ vật đơn sơ, lễ tuy bất túc lòng thành hữu dư, thành kính cung nghinh Thổ Địa, Phước Đức Chánh Thần, Thành Hoàng bổn xứ, nội gia viên trạch, ngoại gia viên cư, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, trận vong chiến sĩ hai bên, oan hồn uổng tử, vô danh súc sảo, quan lâm chứng lễ và thọ nhận vật thực.
      Cầu xin ơn trên gia ơn phù hộ cho gia đình chúng con thuận hoà hạnh phúc, điều dữ xua đi, điều lành đem đến, làm ăn tấn tài tấn lộc, sức khoẻ dồi dào. (cần nói thêm việc gì thì khấn tiếp).
      Trong lễ vật có gì sai sót cúi xin chư vị niệm tình tha thứ bỏ qua.
       (Xá 1 xá, cắm hương rồi lạy 3 lạy hoặc xá 3 xá. Lần lượt rót nước trà, rót rượu (nếu có) 3 lần cách nhau chừng 3 phút).
      Tiếp theo lấy tô cháo thánh, bỏ thêm vào ít thức ăn, bánh… trộn đều.
      Lấy tay trái kiết Bảo Ấn (ngón tay giữa và ngón áp út cúp vào lòng bàn tay ; ngón cái, ngón trỏ và ngón út thẳng ra như kiềng 3 chân) đặt tô thức ăn lên ; tay mặt kiết Như Lai Thiện Tập Đà La Ni Ấn (ngón giữa cúp vào lòng bàn tay, lấy đầu ngón cái  đè lên móng của ngón giữa, 3 ngón kia đứng thẳng) để trước ngực niệm xưng danh hiệu 5 Đức Như Lai :

      - Nam Đa Bảo Sanh Như Lai (3 lần)
        (phá nghiệp chen lấn, tranh giành của cô hồn)
      - Nam Diệu Sắc Thân Như Lai (3 lần)
         (tẩy trừ hình hài xấu xí của cô hồn để có sắc thân sạch sẻ, đẹp đẽ)
- Nam Quảng Bát Thân Như Lai (3 lần)
         (khiến yết hầu của cô hồn mở to được để ăn uống dễ dàng, thoải mái)
- Nam Ly Bố Uy Như Lai (3 lần)
        (trừ tất cả sợ hãi để cô hồn ăn uống tự nhiên)
- Nam A Di Đà Như Lai  (3 lần)
  (Tiếp dẫn linh hồn sau khi ăn uống được vãng sanh Lạc quốc)

      Tiếp theo niệm chú :
       (Biến Thực) : Nam Mô Tác Phạ Đác Tha Nga Đa Phạ Lô Chí Đế. Úm, Tam Bạc Ra, Tam Bạc Ra, Hồng (7 lần),
      (Biến Thủy) : Nam Mô Tô Rô Bà Da, Đác Tha Nga Đa Da, Đác Điệt Tha. Úm, Tô Rô Tô Rô, Bác Ra Tô Rô, Bác Ra Tô Rô, Ta Bà Ha (7 lần).

      Rồi đưa tay mặt lên đỉnh đầu xả ấn, xong búng đầu các ngón tay mặt trên tô thức ăn 7 lần, rồi dùng chiếc vá múc đổ thức ăn vào 7 chén sạch đã để sẵn trên tấm ván hay tờ báo cũ dưới đất, mỗi chén một vá, vừa múc vừa niệm nhỏ Nam mô A Di Đà Phật, múc 3 vòng như vậy. Cháo còn lại để tô sang bên cạnh, không nên đổ thức ăn ra đất.  Gạo muối cũng trải tờ giấy báo cũ ra bên cạnh hay tấm ván rải lên. Vì các cô hồn (tức những vong hồn cô đơn không nơi nương tựa) cũng mong cầu sạch sẽ như người, nhưng do họ bị nghiệp dữ che mờ nên mất trí không thấy biết gì cả, như đứa trẻ con chưa có trí khôn hay người bị tâm thần vậy, ta phải hướng dẫn họ. Hơn nữa rải thức ăn ra đất còn phạm giới phung phí vật thực và mất vệ sinh nữa.
      Chờ khi đèn hương gần tàn thì nói lời cảm ơn : 
       Lễ cúng đến đây đã mãn, trong lễ vật hay pháp cúng nếu có gì sai sót thì xin chư liệt vị niệm tình tha thứ bỏ qua.
       Rồi xá 3 xá, đốt giấy cúng (nếu có thì dùng ít cho có lễ thôi).

***Tất lễ***

      Chú thích : Việc cô hồn đòi ăn uống chỉ là cảm giác lưu lại (Phật gọi là cảm thọ) của xác thân lúc còn sống tham ăn thèm uống tạp nhạp. Chứ thực tế chết rồi thân xác không còn nữa thì làm sao mà ăn uống được. Cách cúng tinh tấn đơn giản như vậy các cô hồn cảm thọ ăn uống một lần các thức ăn cam lồ vị (vị tình thương) của Phật (thức ăn uống đã gia trì chú Phật) sẽ được no đủ vĩnh viễn, không cần trở lại ăn uống nữa mà tìm nơi tu hành đắc pháp để về cõi thiên, lần cúng sau các cô hồn khác có thể đến được để cảm thọ ăn uống không còn chen lấn nữa. Vì trong cõi ta-bà hiện có vô số cô hồn cần được làm như vậy để giải thoát họ khỏi cảnh giới tam đồ, nếu không gia trì chú Phật vào vật thực thì ăn uống rồi lần sau họ vẫn còn cảm giác thèm ăn uống quay lại như cũ. Cúng tinh tấn như vậy ít lần sẽ không còn cô hồn nào ở quanh khu vực mình ở nữa, khi tâm mình cảm thấy nhẹ nhàng rồi thì không cúng nữa cũng không sao, chẳng ai bắt bớ ta cả. Nhiều vị chư thiên đã về nói như vậy !

                                                                           NGUYÊN CHƯƠNG
                                                                                    Đà Nẵng, tháng 01-2016

Bìa sách


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét